QUY CHẾ LÀM VIỆC
CỦA ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG Năm 2022
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG – ĐIỆN ẢNH SÀI GÒN
————————————–
Căn cứ:
– Luật doanh nghiệp của Quốc hội nước Công Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam số 59/2020/QH14 ngày 17/06/2020.
– Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty Cổ Phần Truyền Thông – Điện Ảnh Sài Gòn.
Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Truyền thông – Điện Ảnh Sài Gòn (sau đây gọi tắt là Công ty) được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số quyền biểu quyết và thực hiện theo Quy chế làm việc sau đây:
Điều 1: Cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông
- Các cổ đông hoặc đại diện theo ủy quyền sở hữu số cổ phần của Công ty đều được quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông Công ty thường niên (sau đây gọi tắt là Đại hội);
- Cổ đông hoặc đại diện theo ủy quyền khi vào họp trực tuyến đăng ký với Ban tổ chức Đại hội;
- Trong thời gian diễn ra Đại hội, các cổ đông phải tuân theo sự hướng dẫn của Chủ tọa đoàn, ứng xử văn minh, lịch sự và giữ trật tự tại Đại hội;
- Người được ủy quyền tham dự Đại hội không được ủy quyền lại cho người thứ ba tham dự Đại hội;
- Tất cả các máy điện thoại di động để ở chế độ rung.
Điều 2: Chủ tọa đoàn
1. Chủ tọa đoàn Đại hội gồm 04 thành viên, thành phần gồm 01 Chủ tịch và 03 thành viên. Chủ tọa Đại hội là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc cử một thành viên HĐQT khác; Chủ tọa đoàn điều hành công việc của Đại hội theo nội dung, chương trình đã được Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua và trình tại Đại hội.
2. Nhiệm vụ của Chủ tọa đoàn:
a) Điều hành các hoạt động của Đại hội theo chương trình dự kiến của HĐQT đã được đại hội đồng cổ đông thông qua;
b) Hướng dẫn các cổ đông và Đại hội thảo luận các nội dung có trong chương trình;
c) Trình dự thảo, kết luận những vấn đề cần thiết để Đại hội biểu quyết;
d) Trả lời những vấn đề do Đại hội yêu cầu;
e) Giải quyết các vấn đề phát sinh trong suốt quá trình Đại hội;
3. Nguyên tắc làm việc của Chủ tọa đoàn: Chủ tọa đoàn làm việc theo nguyên tắc tập thể, tập trung dân chủ.
Điều 3: Ban Thư ký Đại hội
- Ban Thư ký của Đại hội bao gồm 2 thành viên do Đại hội đề cử; chịu trách nhiệm trước Chủ tọa đoàn và Đại hội về nhiệm vụ của mình và dưới sự điều hành của Chủ tọa đoàn.
- Nhiệm vụ của Ban Thư ký:
- Giúp Chủ tọa đoàn kiểm tra tình hình của cổ đông, đại diện cổ đông dự họp (khi cần);
- Hỗ trợ Chủ tọa đoàn công bố dự thảo các văn kiện, kết luận, nghị quyết của Đại hội và thông báo của Chủ toạ đoàn gửi đến các cổ đông khi được yêu cầu;
- Tiếp nhận, rà soát phiếu đăng ký phát biểu các ý kiến của các cổ đông, chuyển Chủ toạ đoàn quyết định;
- Ghi chép đầy đủ trung thực toàn bộ nội dung diễn biến Đại hội và các vấn đề đã được các cổ đông thông qua hoặc các ý kiến đề nghị bảo lưu vào biên bản họp Đại hội;
- Kiểm tra và công bố số phiếu biểu quyết của cổ đông về từng vấn đề xin biểu quyết tại Đại hội;
- Xem xét và báo cáo Đại hội những trường hợp vi phạm thể lệ biểu quyết hoặc đơn thư khiếu nại về kết quả biểu quyết.
- Soạn thảo Nghị quyết về các vấn đề được thông qua tại Đại hội;
ĐIỀU 4: Ban Kiểm phiếu biểu quyết
a) HĐQT giới thiệu Ban Kiểm phiếu biểu quyết và tổ chức lấy ý kiến thông qua tại Đại hội.
b) Ban Kiểm phiếu biểu quyết có nhiệm vụ:
– Giới thiệu nội dung, cách ghi phiếu biểu quyết, phát hành phiếu biểu quyết.
– Giám sát việc biểu quyết của các cổ đông tại Đại hội.
– Tổng hợp số cổ phần biểu quyết.
– Ban kiểm phiếu có trách nhiệm lập Biên bản thống kê số phiếu biểu quyết Đồng ý hoặc Không đồng ý hoặc Không có ý kiến của Đại hội đồng cổ đông đối với từng vấn đề biểu quyết để báo cáo Chủ tọa đoàn. Chủ tọa sẽ công bố kết quả kiểm phiếu từng vấn đề sau khi tiến hành biểu quyết.
Điều 5: Thảo luận tại Đại hội
- Nguyên tắc:
a) Việc thảo luận chỉ được thực hiện trong phạm vi các vấn đề trình bày trong chương trình nội dung Đại hội;
b) Cổ đông được phát biểu khi Chủ tọa mời, nội dung ngắn gọn, trực tiếp và tập trung vào đúng những nội dung trọng tâm cần trao đổi, phù hợp với nội dung chương trình của Đại hội đã được thông qua. Những vấn đề đã được người trước phát biểu thì không phát biểu lại để tránh trùng lặp. Giải đáp ý kiến của các cổ đông:
- Trên cơ sở câu hỏi của các cổ đông, Chủ tọa hoặc thành viên do Chủ tọa chỉ định sẽ giải đáp ý kiến cổ đông;
- Trường hợp do giới hạn về thời gian tổ chức, các câu hỏi chưa được trả lời trực tiếp tại Đại hội sẽ được công ty trả lời trực tiếp bằng văn bản.
Điều 6. Biểu quyết thông qua các vấn đề tại Đại hội:
- Nguyên tắc:
a) Tất cả các vấn đề trong chương trình và nội dung họp của Đại hội đều phải được Đại hội cổ đông thảo luận và biểu quyết công khai bằng (Thẻ) phiếu biểu quyết;
b) Mỗi cổ đông có quyền biểu quyết được cấp 01 (Thẻ) Phiếu biểu quyết. Trên (Thẻ) Phiếu biểu quyết có ghi rõ mã số cổ đông, số cổ phần sở hữu của cổ đông đó.
c) Thẻ biểu quyết:
Đối với các nội dung: Thông qua nhân sự Chủ tọa đoàn, Thư ký đoàn, Ban kiểm phiếu; Quy chế làm việc tại Đại hội; Chương trình làm việc của Đại hội; Biên bản Đại hội và một số nội dung thảo luận phát sinh ngay tại Đại hội cần thống nhất trước khi biểu quyết thông qua bằng Phiếu biểu quyết, cổ đông biểu quyết bằng cách giơ Thẻ biểu quyết theo sự điều khiển của Chủ tọa đoàn để lấy ý kiến biểu quyết: Đồng ý hoặc Không đồng ý hoặc Không có ý kiến.
d) Phiếu biểu quyết:
Cổ đông biểu quyết bằng Phiếu biểu quyết đối với các nội dung chính của Đại hội (trừ các vấn đề đã được biểu quyết bằng Thẻ biểu quyết nêu trên).
- Trường hợp cổ đông đã đăng ký tham dự Đại hội nhưng vì lý do quan trọng không thể dự đến hết chương trình Đại hội, có thể ủy quyền lại.
- Thời gian biểu quyết được tính từ khi Chủ tọa hoặc Trưởng ban kiểm phiếu thông báo bắt đầu biểu quyết cho đến khi không còn cổ đông/ đại diện cổ đông nào biểu quyết.
- Thể lệ biểu quyết:
a) Mỗi 01 (một) cổ phần có quyền biểu quyết tương đương 01 (một) quyền biểu quyết. Tại ngày chốt danh sách cổ đông 10/5/2022 tổng số cổ phần của Công ty là: 639.750 cổ phần (bốn triệu sáu trăm ba mươi chín ngàn bảy trăm năm mươi cổ phần), tương đương 4.639.750 quyền biểu quyết;
b) Các vấn đề được thông qua tại Đại hội cổ đông khi có từ 50% trở lên tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông có quyền biểu quyết có mặt trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền có mặt tại đại hội;
c) Các vấn đề sau đây sẽ được thông qua khi có từ 65% trở lên tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông có quyền biểu quyết có mặt trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền có mặt tại Đại hội:
– Quyết định về loại cổ phần và số lượng cổ phần được quyền chào bán của từng loại;
– Thay đổi ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh;
– Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
– Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty;
– Tổ chức lại, giải thể công ty.
Điều 7: Biên bản, Nghị quyết họp Đại hội đồng cổ đông
Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông phải được lập theo quy định của Điều lệ công ty và đọc thông qua trước khi bế mạc Đại hội.
Quy chế này có hiệu lực ngay sau khi được Đại hội đồng cổ đông Công ty biểu quyết thông qua.
TM. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
CHỦ TỊCH
TRẦN THỊ CÚC